TOP
 

Hướng phát triển bền vững cho nông sản Việt

Ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1048/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Theo đó, Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm gọi tắt là Chương trình OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.

Để có thêm thông tin về Bộ tiêu chí này, NNVN có buổi trao đổi với ông Hoàng Bá Nghị - Tổng giám đốc NHO-QSCert (thành viên của tổ chức chứng nhận toàn cầu QSCert), đơn vị luôn đồng hành cùng với Văn phòng Nông thôn mới Trung ương triển khai thực hiện tư vấn và đánh giá tại nhiều địa phương cả nước.

15-44-44_nh_1_ong_hong_b_nghi_tong_gim_doc_nho-qscert_
Ông Hoàng Bá Nghị - Tổng giám đốc NHO-QSCert.

Ông vui lòng cho biết mục đích ý nghĩa của chương trình OCOP quốc gia?

Chương trình OCOP là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới nhằm phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của người nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững. Ý nghĩa quan trọng của Chương trình này là tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi vùng, mỗi xã giúp người nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Ông có thể nói rõ hơn về thành phần của Bộ tiêu chí chấm điểm OCOP theo Quyết định 1048/QĐ-TTg?

Bộ Tiêu chí này gồm 3 phần. Phần A là các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm tổ chức SX, phát triển sản phẩm và sức mạnh cộng đồng. Phần B là các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm tiếp thị và câu chuyện về sản phẩm. Phần C là các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm… Áp dụng để đánh giá các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng thực phẩm gồm đồ uống, thảo dược, vải, may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Căn cứ bộ tiêu chí này, các địa phương sẽ lựa chọn sản phẩm và chấm điểm. Các sản phẩm đạt thứ hạng "5 sao" sẽ được tổng hợp để Văn phòng Nông thôn mới Trung ương chấm điểm công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để đánh giá chấm điểm sản phẩm OCOP đạt thứ hạng cao?

Với vai trò là thành viên Tổ Đánh giá và chấm điểm sản phẩm OCOP của Văn phòng Nông thôn mới Trung ương, nhận thấy nét độc đáo của Chương trình OCOP là các sản phẩm OCOP được đánh giá thường xuyên hằng năm, gọi là chu trình OCOP giúp các sản phẩm thăng hạng sao. Được đánh giá nhiều sao sẽ là một trong những lợi thế giúp sản phẩm tăng cạnh tranh khi tham gia thị trường, dễ được các hệ thống phân phối bán lẻ và người tiêu dùng tin tưởng.

Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều địa phương triển khai thực hiện các sản phẩm OCOP, cá nhân tôi cho rằng để kết quả đánh giá sản phẩm đạt thứ hạng cao cần chú trọng một số nội dung.

Thứ nhất, cần chọn lựa, giới thiệu tham gia OCOP cho các sản phẩm chủ lực đang phát triển SX tập trung với quy mô lớn, sản phẩm có tiềm năng xâm nhập vào thị trường phân phối trong và ngoài nước để đạt được tiêu chí sản phẩm có tiềm năng và và sức mạnh cộng đồng. Để đạt được tiêu chí này cần phải tổ chức SX theo các hình thức cánh đồng lớn, HTX, liên kết vùng nguyên liệu trên cơ sở sử dụng nguyên liệu địa phương. Bên cạnh đó cần làm gia tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch bằng các công nghệ / quy trình phân loại và sơ chế, đảm bảo các sản phẩm được SX hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đồng đều, ổn định. Ngoài ra, sản phẩm cũng cần phải mang tính địa phương, có bao bì, truy xuất nguồn gốc điện tử.

HTX Nông sản an toàn An Hòa ở Châu Thành (Đồng Tháp) trồng 114ha nhãn Ido vừa được cấp chứng nhận VietGAP.

Thứ hai, cần chú trọng các yếu tố quảng bá, tiếp thị sản phẩm để đạt điểm cao đối với tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị. Để làm được điều này cần phải xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, chiến lược tiếp thị cho từng sản phẩm với đầy đủ hệ thống phân phối, phân khúc thị trường trong nước và XK và các các chương trình tiếp thị đồng bộ… Đặc biệt, cần nhấn mạnh vào yếu tố tiếp thị "câu chuyện sản phẩm" gắn liền với nét đặc trưng, độc đáo của địa phương.

Thứ ba, cần đăng ký các tiêu chuẩn chất lượng như GlobalGAP, VietGAP, HACCP, GMP, sản phẩm hữu cơ Organic và giám định chỉ tiêu môi trường. Chứng nhận cho trang trại, vùng SX, truy xuất nguồn gốc. Để đạt được điểm cao đối với tiêu chí chất lượng sản phẩm, cụ thể, cần ghi chép nhật ký SX, truy xuất nguồn gốc, phân tích kiểm nghiệm mẫu sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm theo Quy chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Trách nhiệm xã hội và vai trò của các tổ chức hỗ trợ như thế nào đối với việc phát triển sản phẩm OCOP?

Trước hết cần phải có sự đồng thuận tham gia của người dân và tổ chức quản lý, tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương. Ngoài ra, vai trò của các tổ chức hỗ trợ cũng rất cần thiết, cụ thể là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận, kiểm nghiệm, đồng thời cần đào tạo hướng dẫn các hộ nông dân, THT, HTX xây dựng kế hoạch kinh doanh, tổ chức SX, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặt biệt, cần kết nối cung, cầu giữa các đơn vị SX với các DN chế biến, tiêu thụ và thị trường thông qua các hình thức truy xuất nguồn gốc. Hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm OCOP của các địa phương trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

LÊ HOÀNG VŨ

Tin tức liên quan :